Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Phú Lễ Viên ngọc chưa mài

Bài hồ men gồm các thành phần chính: gạo lứt xay thành bột, phối trộn với cám và 36 vị thuốc như trần bì, quế khâu, đinh hương, tấn phát, đại hồi, sa nhân, trầu lương, rau răm, tiêu sọ...

Đình Phú Lễ
Phú Lễ (Bến Tre) có 6 cái nổi tiếng: rượu đế, nghề đan lát, 505 phụ nữ không chồng, chiến khu Lạc Địa, ngôi đình Phú Lễ 180 tuổi, và cái nổi tiếng cuối cùng của xứ này là tuy có 5 cái nổi tiếng vừa nêu, đáng lý phải là gói du lịch hấp dẫn khách với nhiều ngôi làng còn nguyên nét cổ sơ, nhưng lại ít ai biết đến. Chắc là phải chờ vài năm nữa, để rượu Phú Lễ trở thành "vị đại sứ" cho nó kịp đi khắp năm châu.

Những ngôi làng ở Phú Lễ còn giữ nguyên nét cổ xưa, nếu được bảo tồn chất lượng, sẽ trở thành những ngôi làng "miền Trung", xứ Quảng, với hệ thống đường đất đỏ cũ kỹ, giữa miền Nam. Ba Tri sẽ trở thành bảo tàng làng cổ.
Ở đây, nhà của người dân phần đông là nhà rọi - loại nhà cột chống thẳng lên đầu kèo, chia không gian nhà làm hai - đặc trưng của những người dân miền Trung nghèo. Vả, ở cái xứ họ chọn làm nơi sinh sống "tị địa", họ cũng đến bằng tay trắng, cũng nghèo, lại không có nhiều cây rừng, làm sao sắm nổi nhà rường - loại nhà cột chống ở trính và kèo chịu lực bằng trụ lỏng - rất tốn cây. Đặc trưng "tị địa" đến nay vẫn còn - mạnh làng nào làng nấy sống, ít khi người dân làng này sang làng khác.
Gần đây Phú Lễ được nhiều người biết đến hơn khi tỉnh Bến Tre đầu tư vào một dự án 77 triệu đồng để phục hồi danh giá của rượu Phú Lễ vốn có tiếng từ thời Tây, lại dần dần lụi tàn chất lượng vào thời lương thực thiếu thốn sau năm 1975. Công trình kéo dài 18 tháng để chuẩn hoá công thức làm hồ men và thời gian kháp rượu. Ông Nguyễn Văn Chí, mọi người quen gọi là Ba Chí, cho biết tới nay, có khoảng 100 hộ nấu rượu, có khả năng sản xuất mỗi ngày 5.000 lít rượu.
Nhiều ý kiến cho rằng rượu Phú Lễ ngon tùy thuộc vào bốn yếu tố: Một là, men; hai là, nước giếng của vùng này. Bởi vậy khi người con gái lấy chồng sang xứ khác vẫn không nấu được loại rượu giống y như ngày còn ở nhà với mẹ. Ba là, nếp trồng trên chính vùng đất này. Một số nhà kháp thử bằng nếp khác, rượu đã không ngon bằng. Và bốn là, do những cái tỉn ủ cơm để lâu hàng trăm năm, chăng?
Rượu Phú Lễ có thể xếp vào hàng danh đế ngang hàng với Làng Vân, Kim Long, Bàu Đá và Gò Đen.
Nghề đan lát ở Phú Lễ cũng là nghề có hàng trăm năm tuổi, và nhiều người dân hiện nay vẫn thực hành nghề này kiếm sống qua liên kết với những công ty làm hàng thủ công mỹ nghệ. Chị Trần Thị Lan, phó chủ tịch hội phụ nữ xã cho biết, các công ty Thanh Bình, Ngọc Ẩn đến liên hệ với địa phương bàn chuyện gia công sản phẩm cho họ. Người dân chỉ cần bỏ công ra làm theo mẫu mã họ mang đến rồi được trả tiền theo sản phẩm đã làm. Niềm hy vọng nghề truyền thống ở đây vẫn tiếp tục sống và rồi sản phẩm của họ có lúc bán trực tiếp đến tay du khách.
Nghề đan lát ở Phú Lễ
Đình Phú Lễ cũng là một trong những di tích khá cao tuổi, một thời gian chiến tranh, được người dân làng tháo dàn trò cất. Và đến năm 1950 mới ráp lại. Đình được phong di tích văn hoá năm 1993, là một quần thể gồm 11 ngôi nhà, mỗi năm có hai lễ hội lớn là lễ hạ điền (còn gọi là lễ kỳ yên) tháng 3 và lễ thượng điền tháng 11. Qui mô của đình cũng nói lên được phần nào một thời trù phú của người dân làng.
Phú Lễ cũng là nơi lưu giữ một trữ lượng ca dao, dân ca phong phú, từ hò, lý, vè, nói thơ, hát bội đến điệu hát sắc bùa.
Từ đình Phú Lễ đi vài cây số là vào sâu căn cứ Lạc Địa. Gọi là Lạc Địa vì ai vào đây cũng có thể đi lạc và phải vái ông địa, một bô lão trong làng cắt nghĩa. Ông cụ còn kể lại kinh nghiệm: "Theo đường trâu đi thì ra được, không theo đường trâu thì không biết đường ra, dầu cho có ở đây mấy chục năm trời." Đây là khu vực có gần 400 đìa lớn, đìa nhỏ không tính. Hiện đìa được giao khoán để nuôi cá. Tỉnh đã đầu tư vào đây 2,8 tỷ đồng để từng bước biến nơi này thành khu du lịch sinh thái.
Nấu rượu ở Phú Lễ
Ý định là vậy nên con đường đất đỏ chính trong làng đã sắp sửa bị gạt sổ bởi qui hoạch đường liên huyện biến nó thành đường nhựa - để du khách dễ tiếp cận với khu du lịch sinh thái Lạc Địa hơn? Nhưng người ta quên nghĩ rằng, du khách không nhất thiết phải đến đây để tìm phong vị đường nhựa. Và ba cái làng Phú Thạnh, Phú Lợi, Phú Khương, ngày mai nếu không có kế hoạch bảo tồn hợp lý sẽ hư mất. Và Ba Tri mất đi một mảng lớn về cái hấp dẫn du khách cộng hưởng với khu mộ các danh nhân văn hoá Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu; sân chim Vàm Hồ và những bến sông.





KHỞI THỨC - ẢNH: TRẦN VIỆT ĐỨC


(Bài đăng trên Báo SGTT Xuân 2006)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét