Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Làng nghề đan Phú Lễ


Cụ Nguyễn Văn Nghị ở ấp Phú Khương là bậc lão làng của nghề đan đát tại xã Phú Lễ. Đêm, dưới ánh trăng rằm tỏa sáng, cụ trải chiếu trước sân nhà cùng tôi ngồi uống trà rồi vào chuyện: “Qua (1) nay đã gần tám mươi tuổi nhưng hồi mới lớn lên đã thấy cha mẹ mình ngồi đươn (2) cái thúng, cái bun, cái bội rồi. Còn bây giờ thì đến lượt đời con cháu của qua (1) tiếp tục nối nghề. Có điều, không biết rồi đây nghề truyền thống này có còn sống mãi?”


Trăm năm nghề đan Phú Lễ

Nghề đan đát nói chung sản xuất theo hộ gia đình, nó hiện diện rải rác khắp vùng nông thôn Bến Tre, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các xã Phú Lễ, Phú Ngãi, Phước Tuy, Tân Xuân (huyện Ba Tri). Ở đây, trên những giồng cát, nguồn nguyên liệu cung cấp cho nghề này là tre, trúc rất dồi dào, phong phú. Nhờ vào nguồn nguyên liệu này cùng với đôi tay khéo, trải nghiệm, từ xa xưa người địa phương đã làm ra chiếc thúng đựng lúa, cái bun bắt cá tép, cái rế để nồi cơm, cái rổ đựng rau, cái bội nhốt gà và rất nhiều vật dụng hằng ngày khác của nhà nông. Đó là thời hoàng kim của các sản phẩm thủ công bằng tre, trúc, khi thị trường chưa xuất hiện nhiều loại hàng nhựa, cao su, nhôm, inox như hiện nay.
Trở lại với thời hoàng kim của nghề đan đát. Bà Năm Lửa, người chuyên bỏ hàng đan đát cho các chợ nông thôn ở Bến Tre, nhớ lại: “Hồi trước 1975, ở đây (Phú Lễ, Phước Tuy, Tân Xuân) là vùng chiến sự, ca-nông từ dinh quận thụt (3) xuống ào ào, bất kể ngày đêm! Thụt, mặc kệ nó, tụi tôi nhảy xuống hầm, đốt đèn, ngồi đươn thúng, đươn bun như ở trên hầm - bà Năm cười khì - Hết thụt, lại nhảy lên hầm, tiếp tục đươn. Có đêm, ngồi đươn tới sáng để đủ hàng giao cho các mối. Thời chiến tranh ấy vậy mà các mặt hàng đan đát bán chạy như tôm tươi, cung luôn thiếu cầu”.

Sau năm 1975 và chừng 15 năm sau đó nữa, các mặt hàng đan đát ngày một “lên hương”, đắt hàng vì nó tỏ ra rất đắc dụng trong thời buổi xã hội có trên 80% dân số sống chủ yếu từ kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Chỉ việc người dân đi đặt bun, đặt lọp, đặt lờ trên sông rạch để cải thiện bữa ăn, nhu cầu sản xuất các phương tiện bắt cá tôm nói trên cũng phải cần đến con số lớn. Cụ Nghị tặc lưỡi: “Bấy giờ, tại địa phương đâu có đủ nguyên liệu để làm. Nguồn tre, trúc, mây rừng phải lấy thêm từ Tây Ninh, Sông Bé chở xuống. Hàng ngày, những chiếc xe tải thay nhau chở nguyên liệu tre, trúc, dây mây rừng về sâu đến các ấp Phú Thạnh, Phú Lợi, Phú Khương là hình ảnh mới lạ tại Phú Lễ, là tín hiệu của một làng nghề đang chuyển mình mạnh mẽ”.

Đôi cánh nào?

Phú Lễ có 1.561 hộ với 7.355 nhân khẩu, trong đó 70% dân số sống bằng nông nghiệp, số còn lại sống bằng nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, mua bán nhỏ lẻ. Với nghề đan đát (360 hộ), đây là nghề phụ khi rảnh rỗi công việc ngoài đồng áng nhưng cũng đem lại thu nhập tương đối khá cho nông dân, nhất là trẻ em sau giờ đến trường. Anh Nguyễn Văn Nuôi, nông dân ở ấp Phú Khương, cho biết: “Một người đươn chính, mỗi tháng thu nhập trên 800.000 đồng, còn đươn phụ như các trẻ thì khoảng 300.000 đồng/tháng. Ở nông thôn, lúc nông nhàn, có thêm thu nhập như thế là quý lắm.”

Phú Lễ là xã giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng. Tại đây, ngôi đình Phú Lễ (sắc phong đời vua Tự Đức) được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, hát Sắc bùa Phú Lễ được xem là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Ngoài ra, Phú Lễ còn là cửa ngỏ của tiểu vùng III huyện Ba Tri nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa, phát triển làng nghề truyền thống. Bên cạnh nghề đan đát, nghề nấu rượu nếp truyền thống tại Phú Lễ cũng đã có từ lâu đời, hiện xã có 90 hộ chuyên kháp loại rượu nếp nổi tiếng này. Để đưa hai nghề truyền thống trên ngày càng phát triển, xã Phú Lễ đã xây dựng Làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp (nghề đan đát và kháp rượu nếp) và đã được tỉnh công nhận vào năm 2006.

Nói đến lực lượng lao động hiện nay của nghề đan đát, chị Trần Thị Lan, Ban Chủ nhiệm Tổ hợp tác lâm thời Làng nghề Phú Lễ, tỏ ra băn khoăn: “Bây giờ, hầu hết gia đình dù là nông dân nhưng người ta vẫn khuyến khích con cái học hành để mong tương lai của chúng tiến xa hơn so với chỉ quanh quẩn bên cái nghề truyền thống này. Còn với các thiếu nữ, đường hướng lên hiện nay là các em thích làm công nhân cho các khu công nghiệp tại thành thị. Do đó, về lâu về dài, chắc chắn làng nghề sẽ thiếu những tay nghề kế thừa như trước đây. Phần nữa, thời kinh tế thị trường, đồ nhựa bây giờ đang “tiến công” rất dữ vào dinh lũy của hàng thủ công mây, tre”.

Một băn khoăn khác là giá trị kinh tế từ các sản phẩm đan đát vẫn chưa được nâng lên. Đành rằng, trong sinh hoạt đời sống ở nông thôn, nhiều mặt hàng của nghề đan đát như dụng cụ bắt cá tôm, những chiếc thúng, cái bội…hiện vẫn còn nhiều khả năng để tồn tại (các mặt hàng sản xuất từ nhựa chưa thể thay thế được). Tuy nhiên, nếu chỉ sản xuất loanh quanh những mặt hàng truyền thống như vậy, thì rõ ràng thu nhập của các hộ sống nghề này chưa cao, chưa phát huy được hết tiềm năng, tay nghề tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lễ Nguyễn Thành Long trăn trở: “Việc mở rộng đầu tư kỹ thuật, thay đổi mẫu mã tại làng nghề còn chậm đã làm hạn chế giá trị kinh tế tính trên từng loại sản phẩm đan đát. Có loại làm rất cực công, mất thời gian nhưng giá bán hơn mười năm rồi chỉ nhích lên chút đỉnh! Hiện nay, để tạo bứt phá mới, xã khuyến khích bà con làng nghề hướng đến sản xuất các mặt hàng đan đát phục vụ du lịch. Song, để thực hiện được ý tưởng này thì hiện cũng còn lắm việc phải làm.”

Điều đang đặt ra của Làng nghề Phú Lễ hiện nay là cần thêm sức trong đầu tư vốn xây dựng và phát triển làng nghề. Theo đó các cấp ngành chức năng cần sớm hỗ trợ cho các hộ có tay nghề tại đây đi tham quan, học hỏi sản xuất các sản phẩm đan đát phục vụ du lịch. Đồng thời hỗ trợ KHKT, tiếp thị, thông tin thị trường và đầu ra cho các sản phẩm đan đát thời thượng.

Nhà biên kịch Nguyễn Hồ, sau khi làm phim ký sự Tân Đảo (Nam Thái Bình Dương), khi về Bến Tre anh ghé thăm tôi và cho tôi một món quà nhỏ. Đó là một cây bút chì. Cây bút chì chỉ có một phần bút chì nhỏ ở đầu bút, phần thân bút là một loại cây rừng ở Tân Đảo, nhưng gỗ rừng được chuốt gọt rất đẹp và thắt thêm một chiếc nơ bằng vải trông rất xinh. Trên cây bút có khắc chữ nơi sản xuất. Vậy là họ bán cho khách du lịch đến Tân Đảo với giá 1 USD. Với Làng nghề đan đát Phú Lễ, các tay nghề tại đây dư sức làm ra hàng loạt các sản phẩm du lịch tương tự như những chiếc thúng, cái rổ, cái nia, cái sàn nho nhỏ, trang trí đẹp và chỉ cần bán ra với giá như “cây bút chì du lịch” ở Tân Đảo là đã có lời, tại sao không?

http://www.langnghe.org.vn/lang-nghe-dan-phu-le.htm

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Về Phú Lễ, nghe điệu hát sắc bùa

Bến Tre – vùng đất ba dải cù lao, quanh năm non nước hữu tình. Trong kháng chiến, nơi đây đã gắn liền với hình ảnh những đội quân tóc dài thật oai hùng nhưng cũng đầy lãng mạn, đẫm chất thơ ca… “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió…”. Do tính đặc thù địa phương là thuần nông nên người dân nơi đây đã quy tụ nhiều điệu lý, câu hò phục vụ cho đời sống tinh thần; trong đó đặc trưng nhất phải nói đến loại hình hát sắc bùa ở Phú Lễ.



Hát sắc bùa ở Phú Lễ ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 18, tồn tại cho đến những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Đây là loại hình văn hóa văn nghệ dân gian phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, đôi khi hát sắc bùa cũng được tổ chức vào dịp cúng đình tại các đình làng. Sắc bùa là một điệu hát dân gian mang nhiều yếu tố tâm linh nhưng mục đích mà loại hình nghệ thuật này hướng đến vẫn là cầu cho vật thịnh người lành, cuộc sống an vui hạnh phúc.


Một đội hát sắc bùa ít nhất có 4 người (hoặc hơn nữa nhưng theo số chẵn), tối đa gồm 12 người. Có một người hát chính gọi là cái kể, những người còn lại hát phụ gọi là con xô. Cái kể hát trước, mỗi người trong đội hát một câu so le, câu kết cả đội cùng hát. Nhạc cụ của nghệ nhân chơi sắc bùa gồm đàn cò một dây, 1 trống cơm, 1 sanh tiền, 1 sanh cái. Mỗi người vừa là diễn viên, vừa là nhạc công chơi các loại nhạc cụ kể trên.

Về Phú Lễ (Ba Tri), chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp Phú Lợi, năm nay đã 77 tuổi, là một trong vài nghệ nhân hát sắc bùa ở xã. Tuy tuổi đã cao nhưng tinh thần của ông vẫn còn minh mẫn. Lớn lên từ làng quê, những điệu múa, những câu hát dân gian ở chính nơi đây đã thấm sâu vào máu thịt của ông. Ông Dũng kể: “Hồi còn nhỏ tôi đã từng theo gánh hát của xã để xem, sau đó thấy thích rồi theo đàn anh học hát và đi biểu diễn các điểm trong xã. Không biết từ bao giờ, những âm thanh, điệu hát này đã khắc sâu vào tâm trí tôi”. Nói xong ôngỉ liền hát một đoạn bài “Mở cửa rào” trong nhịp gõ của sanh cái – đây cũng chính là kỷ vật cuối cùng còn lại của ông trong thời gian đi hát. Cứ nhìn tay của ông Dũng mới biết ông đã dành hết tâm huyết của mình cho điệu hát này như thế nào. Khi khoan thai, khi dồn dập, khi trầm, khi bổng... Tiếng sanh cái của ông như làm sống lại điệu hát sắc bùa tưởng chừng bị quên lãng.

Trải qua bao nhiêu năm khi điệu hát sắc bùa bị đẩy lùi vào quá khứ bởi những dòng nhạc hiện đại ngày nay, những năm gần đây (từ 2005 đến nay) hát sắc bùa đã sống lại cùng với những lễ hội ở xã Phú Lễ. Chính quyền địa phương xã Phú Lễ rất tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy điệu hát độc đáo của quê hương. Một số thanh niên trẻ trong xã cũng đã được truyền lại “bí quyết” hát sắc bùa. Theo ông Nguyễn Văn Thành – cán bộ VH-XH xã Phú Lễ: “Chính quyền địa phương cũng đang cố gắng khôi phục lại loại hình văn hóa này. Tuy nhiên, xã cũng đang gặp một số vấn đề khó khăn, nhất là lực lượng nghệ nhân chỉ còn một vài người và đa phần thanh niên ngày nay cũng không quan tâm lắm đến thể loại hát sắc bùa”.

Những nghệ nhân dân gian ở độ tuổi thất thập, bát thập như ông Dũng, ông Sáu Đức… như chợt trẻ lại cùng điệu hát quê hương. Cứ nhìn các ông hăng hái và hết mình trong những giai điệu bài hát mới thấy thật trân trọng và cũng thật cảm phục cho tấm lòng của những người hết lòng vì văn hóa của làng quê mình. Ông Dũng bỗng bùi ngùi: “Đến lúc thế hệ của chúng tôi nằm xuống thì điệu hát sắc bùa cũng tắt luôn...”. Có lẽ những điệu hát múa dân gian của xã Phú Lễ vẫn còn đang được lưu giữ với những người tâm huyết như ông Dũng, Sáu Đức… là điều may mắn cho một làng quê. Nhưng thế hệ của các nghệ nhân ở đây đã quá già, liệu sau này ai sẽ còn tiếp tục nối nghiệp họ với loại hình hát sắc bùa này nữa… (!?).

  • Quốc Hùng
  • TỤC HÁT SẮC BÙA Ở PHÚ LỄ


    Hát sắc bùa Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) là một sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp pha trộn với ma thuật Đạo giáo, chủ yếu diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán. Đôi khi hát sắc bùa Phú Lễ cũng được tổ chức vào dịp cúng đình hàng năm ở ngay tại đình làng.



    Tục hát sắc bùa chúc Tết là một tục lệ có từ lâu đời, phổ biến ở nhiều nơi, từ Bắc chí Nam: Hòa Bình, Nghệ Tĩnh, Bình trị Thiên và một số tỉnh miền Nam Trung Bộ từ Phú Yên trở ra. Như vậy hát sắc bùa không phải là nơi sản sinh ra tục hát sắc bùa. Trong khi đi tìm nguồn gốc của nó, một số nhà nghiên cứu, sau khi so sánh những yếu tố tương đồng giữa hát sắc bùa Phú Lễ với hát sắc bùa của một số địa phương (kể cả tục hát sắc bùa của người Mường) đồng thời có liên hệ đối chiếu với hàng loạt gia phả của một số gia đình, dòng họ ở đây, đã đi đến bước đầu kết luận rằng hát sắc bùa Phú Lễ có rất nhiều yếu tố đồng nhất với hát sắc bùa Nam Trung Bộ về các phương diện: mục đích cuộc hát, biên chế nhạc cụ, hệ thống tiết mục, làn điệu, bố cục, hình thức văn học, đặc điểm âm nhạc...

    Đội hát sắc bùa thường được tổ chức từ 4 đến 6 có khi lên đến 8 người, có một ông bầu điều khiển. Đội hát được coi là đầy đủ phải có 6 nghệ nhân biết chơi 6 nhạc cụ. Một cuộc hát thường có 2 phần: phần đầu có tính chất nghi lễ - phong tục, tiếp đến là phần diễn xướng giúp vui có tính chất thiên về sinh hoạt văn nghệ. Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tập thể, có xướng có xô, có nhạc cụ phụ họa và nhịp phách rõ ràng. Lời hát là những câu thơ dân gian thuộc thể sáu tám hoặc thơ 4 chữ.

    Về nội dung, gạt ra một bên những câu hát nặng tính chất xưng tụng, nghi lễ xen lẫn với những phù chú "tống quĩ trừ ma" (chủ yếu ở phần đầu), lời hát sắc bùa phản ánh những ước mơ của người lao động trong dịp đầu năm mới: người làm ruộng mong "mùa màng bội thu", "cây trái tốt tươi", người dệt vải "làm không kịp bán", thợ nề, thợ mộc được “người ta năng rước”, xã hội “trăm nghệ tân phát”, “người yên, vật thịnh"...

    Theo xu hướng và nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của xã hội, nội dung của hát sắc bùa Phú Lễ đã có nhiều thay đổi, ngày càng gắn với hiện thực của đời sống hơn, trong khi phần tập tục, nghi lễ mang tính chất ma thuật phai nhạt dần.

    Theo: bentre.gov.vn