Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Hương vị Phú Lễ


Chuyện kể rằng ngày xưa, cả Nam kỳ lục tỉnh chỉ có cha con nhà Hội đồng Trạch là ông Trần Trinh Trạch và Trần Trinh Huy – cậu Ba Huy, Công tử Bạc Liêu- là có quyền kháp (nấu) rượu đế. Còn như tá điền kháp rượu lậu mà địa chủ biết thì chỉ còn nước đập lò bỏ xứ tha hương.

 “Nước mắt quê hương” đã đóng chai, có nhãn hiệu. Ảnh: M.A.

Chuyện bây giờ, nghe lạ là cả tỉnh Bến Tre đang dốc lòng khôi phục lại rượu Phú Lễ (Ba Tri) truyền thống nức tiếng bấy lâu.

Từ chuyện phục hồi “nước mắt quê hương”Kỹ sư Trương Minh Nhựt –Giám đốc Sở KH&CN Bến Tre- là một người con xứ dừa, anh biết thưởng thức và “hâm mộ” thứ thần tửu quê mình từ thuở rượu phải kháp lén, giấu giếm ngoài bưng, đìa vì sợ du kích xã phạt. Chuyển sang thời kinh tế thị trường, rượu đế Phú Lễ trở lại với người tiêu dùng và được dân miền Tây chấp nhận một cách tự nhiên, sánh ngang các loại đế Gò Đen (Long An), Bàu Đá (Bình Định), Xuân Thạnh (Trà Vinh).

Chỉ riêng tại xã Phú Lễ, đã có 100 hộ nông dân kháp rượu đế nếp chuyên nghiệp ba bốn đời, mỗi ngày cho ra thị trường khoảng 2.000 lít rượu, đó là chưa kể hàng trăm hộ dân khác cũng tham gia thị trường mấy năm trở lại đây, khi đế Phú Lễ phục hồi danh tiếng. Chính vì vậy, “bài” hồ men rượu (“bài” hồ men: tiếng địa phương chỉ một hợp chất riêng do người dân tự pha chế làm men kháp rượu) tạo hương vị đặc trưng của Phú Lễ có thời điểm bị mai một do khuynh hướng hạ giá thành, nếp đôi khi còn bị thay bằng gạo…

Bức xúc trước nguy cơ “nước mắt quê hương” mình bị mất phẩm chất, anh Nhựt và các kỹ sư khác ở Sở KH&CN Bến Tre đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Dự án khôi phục và nâng cao chất lượng rượu Phú Lễ”, trong đó chú trọng việc sưu tầm, chọn lọc và khôi phục kỹ thuật lên men để từ đó chuẩn hóa chất lượng rượu. Sau 18 tháng nghiên cứu với kinh phí 77 triệu đồng, “bài” hồ men “chuẩn” được định hình như sau: gạo lức xay thành bột, phối trộn với nhiều vị thuốc như trần bì, quế khâu, đinh hương, đại hồi, quế chi… cộng thêm các loại lá rau răm, nhãn lồng, tai vị, tiêu sọ, muồng, trầu lương… theo liều lượng thích hợp.

Các vị thuốc trên được xay nhuyễn, trộn bột gạo lức, nhồi chung với cám, vo thành viên hồ men. Công đoạn ủ men cũng được chuẩn hóa trong 3 ngày, phủ trấu lên bề mặt nguyên liệu, đậy chiếu cói rồi phơi khô trong bóng râm. Từ “bài” hồ men “dự án” này, người ta trộn theo tỷ lệ với 18 lít nếp mùa Ba Tri chánh hiệu, khi đưa vào lò kháp sẽ cho ra đúng 9 lít đế nếp nguyên chất từ 40 độ đến 62 độ.

Đến “Tổ hợp tác” lạ đờiCó “bài” hồ men “chuẩn” rồi, “nhà nước”, ở đây là UBND xã Phú Lễ, bắt đầu lựa chọn “đối tác” cho mình, đó là 25 hộ “nhà nông” có kinh nghiệm để lập ra một tổ chức có lẽ chưa có tiền lệ ở miền Tây: “Tổ hợp tác nấu rượu Phú Lễ”.
 Một lò kháp rượu được Công ty SXTM Phú Lễ đầu tư vốn. Ảnh: M.A.

Xem qua Quyết định thành lập tổ hợp tác, thấy lạ mà vui: cũng “Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND”, cũng “Căn cứ yêu cầu thực tế địa phương”, cũng “xét năng lực” của từng cá nhân…, nhưng cái chất nông dân trong quyết định vẫn làm ai nấy thêm yêu thương những con người một nắng hai sương, đó là việc UBND xã Phú Lễ quyết định: Nay thành lập tổ hợp tác nấu rượu gồm…; Các “ông bà” có tên căn cứ quyết định thi hành! Các “ông bà” ở đây, có thể kể ra những cái tên mộc mạc đã hàng chục năm gắn bó nghề kháp rượu như Trần Thị Măng, Huỳnh Thị Lượm, Hồ Văn Sại, Nguyễn Văn Xê, Huỳnh Thị Gái… , và tất cả đều nghèo!

Con đường làng rợp bóng dừa dẫn đến nhà ông lão Ba Vân (ấp Phú Thạnh) lúc nào cũng sực nức men rượu. Năm nay tròm trèm 80 nhưng trông lão vẫn còn khỏe mạnh lắm. Chính nhờ “bài” hồ men truyền thống của gia đình mà mấy thế hệ con cháu của lão Ba vẫn giữ được chất lượng rượu nếp thơm ngon.

Lão Ba Vân kể: “Thời Pháp thì trốn chui trốn nhủi kháp tuốt trong đồng Lạc Địa, bị bắt là coi như vừa chịu tiền phạt, vừa bị lập “ăn-kết” (biên bản) rồi còn bị bắt bỏ bót nữa. Sang thời Mỹ thì chiến sự tùm lum, không làm ăn gì được. Còn sau giải phóng một thời gian, do thiếu gạo nên việc nấu rượu bị cấm, du kích xã mà bắt được coi như “tiêu” nhưng bây giờ thì ngon à nghen!”.

Cái sự “ngon à nghen”, theo lời lão Ba Vân, không chi khác ngoài chuyện con cháu của lão bây giờ được làm xã viên… kháp rượu. Có “bài” hồ men làm “bí kíp”, lão Ba Vân như người sống trên mây, nhất là mỗi khi cán bộ xã, cán bộ huyện hay “mấy anh trên tỉnh” về xin học hỏi.

Bấm đốt ngón tay, lão Ba Vân tính: “Mấy chú nghĩ coi, cứ 18 lít nếp chỉ cho được 9 lít rượu thì giá rượu trên chục ngàn một lít đâu có mắc lắm. Bây giờ lượng nếp mùa Ba Tri sản xuất ra không đủ cho kháp rượu nữa rồi. Nhưng tụi tui quyết giữ chất lượng, chỉ sản xuất vừa đủ chớ không vì số lượng mà bỏ quên chất lượng đâu nghen!”.

Nhà buôn và nhà báo hợp tácViệc đưa “nước mắt quê hương” đi xa khỏi vùng đất ba đảo dừa xanh này xuất phát từ ý tưởng của một nhà… báo. Anh tên Trần Công Tạo –Trưởng phòng Công tác bạn đọc, báo Đồng Khởi, Bến Tre. Nhiều năm ngồi tiếp bạn đọc, anh Tạo gặp vô số ý kiến của nông dân Ba Tri thắc mắc vì sao rượu Phú Lễ của họ không bước ra ngoài tỉnh được?

Trong một lần trả lời bạn đọc, anh Tạo có nói sở dĩ rượu chưa được nổi tiếng bởi việc quảng bá còn yếu. Đem trăn trở của một nhà báo ra tâm sự với các nhà buôn quen, anh Tạo nhận được sự đồng cảm của một doanh nghiệp đồng hương đang phát đạt tại TPHCM.

Và rồi một xưởng đóng chai ra đời (Cty cổ phần SXTM Phú Lễ), thu mua toàn bộ rượu của các xã viên kháp rượu ở Phú Lễ. Tiêu chuẩn bao tiêu của họ cũng đơn giản: chất lượng rượu kháp ra phải đồng đều, có sự giám sát của các đoàn thể xã (phụ nữ, nông dân) để giữ tiếng thơm. Phải sử dụng một “bài” hồ men đồng nhất do các nhà khoa học xác định, phải dùng đúng loại nếp mùa trên đồng ruộng Ba Tri và phải đóng chai tại Phú Lễ, cái nôi của nghề kháp.

Khỏi phải nói về sự hài lòng của “nhà nước” khi mà bỗng dưng, sau hàng trăm năm, sản phẩm đặc trưng của Ba Tri được đóng chai và đăng ký thương hiệu. Bước đầu, đã có vài chục lao động nông nhàn được giải quyết việc làm do sự ra đời của xưởng đóng chai.

Để gắn kết các xã viên với xưởng, ông Trần Anh Thuy –Giám đốc Công ty Cổ phần SXTM Phú Lễ- cho biết: “Chúng tôi đã mua trữ hàng ngàn giạ nếp mùa để chủ động nguyên liệu cung cấp cho các xã viên kháp rượu nhằm bình ổn giá và để cho xã viên nghèo yên tâm hơn.

Rượu Phú Lễ - Ba Tri khi ra đời sẽ có mặt trong hệ thống phân phối của công ty chúng tôi trên toàn quốc”. Song, mọi chuyện còn phải kể đến tâm huyết của nhà báo Trần Công Tạo và nhà buôn Trần Anh Thuy khi họ “hùn” nhau cho 5 xã viên kháp rượu ở Phú Lễ mượn 20 triệu/người để xây các lò kháp đúng tiêu chuẩn… của ông bà để lại.

Nhớ chuyện xưa, lão nông Ba Vân tâm sự: “Chuyện ở Phú Lễ quê tui, nếu Công tử Bạc Liêu có sống dậy, ổng cũng phải nghiêng mình mà bái phục!”.

Bài đăng trên báo SGGP online, ngày 25/2/ 2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét