Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Về Phú Lễ, nghe điệu hát sắc bùa

Bến Tre – vùng đất ba dải cù lao, quanh năm non nước hữu tình. Trong kháng chiến, nơi đây đã gắn liền với hình ảnh những đội quân tóc dài thật oai hùng nhưng cũng đầy lãng mạn, đẫm chất thơ ca… “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió…”. Do tính đặc thù địa phương là thuần nông nên người dân nơi đây đã quy tụ nhiều điệu lý, câu hò phục vụ cho đời sống tinh thần; trong đó đặc trưng nhất phải nói đến loại hình hát sắc bùa ở Phú Lễ.



Hát sắc bùa ở Phú Lễ ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 18, tồn tại cho đến những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Đây là loại hình văn hóa văn nghệ dân gian phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, đôi khi hát sắc bùa cũng được tổ chức vào dịp cúng đình tại các đình làng. Sắc bùa là một điệu hát dân gian mang nhiều yếu tố tâm linh nhưng mục đích mà loại hình nghệ thuật này hướng đến vẫn là cầu cho vật thịnh người lành, cuộc sống an vui hạnh phúc.


Một đội hát sắc bùa ít nhất có 4 người (hoặc hơn nữa nhưng theo số chẵn), tối đa gồm 12 người. Có một người hát chính gọi là cái kể, những người còn lại hát phụ gọi là con xô. Cái kể hát trước, mỗi người trong đội hát một câu so le, câu kết cả đội cùng hát. Nhạc cụ của nghệ nhân chơi sắc bùa gồm đàn cò một dây, 1 trống cơm, 1 sanh tiền, 1 sanh cái. Mỗi người vừa là diễn viên, vừa là nhạc công chơi các loại nhạc cụ kể trên.

Về Phú Lễ (Ba Tri), chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp Phú Lợi, năm nay đã 77 tuổi, là một trong vài nghệ nhân hát sắc bùa ở xã. Tuy tuổi đã cao nhưng tinh thần của ông vẫn còn minh mẫn. Lớn lên từ làng quê, những điệu múa, những câu hát dân gian ở chính nơi đây đã thấm sâu vào máu thịt của ông. Ông Dũng kể: “Hồi còn nhỏ tôi đã từng theo gánh hát của xã để xem, sau đó thấy thích rồi theo đàn anh học hát và đi biểu diễn các điểm trong xã. Không biết từ bao giờ, những âm thanh, điệu hát này đã khắc sâu vào tâm trí tôi”. Nói xong ôngỉ liền hát một đoạn bài “Mở cửa rào” trong nhịp gõ của sanh cái – đây cũng chính là kỷ vật cuối cùng còn lại của ông trong thời gian đi hát. Cứ nhìn tay của ông Dũng mới biết ông đã dành hết tâm huyết của mình cho điệu hát này như thế nào. Khi khoan thai, khi dồn dập, khi trầm, khi bổng... Tiếng sanh cái của ông như làm sống lại điệu hát sắc bùa tưởng chừng bị quên lãng.

Trải qua bao nhiêu năm khi điệu hát sắc bùa bị đẩy lùi vào quá khứ bởi những dòng nhạc hiện đại ngày nay, những năm gần đây (từ 2005 đến nay) hát sắc bùa đã sống lại cùng với những lễ hội ở xã Phú Lễ. Chính quyền địa phương xã Phú Lễ rất tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy điệu hát độc đáo của quê hương. Một số thanh niên trẻ trong xã cũng đã được truyền lại “bí quyết” hát sắc bùa. Theo ông Nguyễn Văn Thành – cán bộ VH-XH xã Phú Lễ: “Chính quyền địa phương cũng đang cố gắng khôi phục lại loại hình văn hóa này. Tuy nhiên, xã cũng đang gặp một số vấn đề khó khăn, nhất là lực lượng nghệ nhân chỉ còn một vài người và đa phần thanh niên ngày nay cũng không quan tâm lắm đến thể loại hát sắc bùa”.

Những nghệ nhân dân gian ở độ tuổi thất thập, bát thập như ông Dũng, ông Sáu Đức… như chợt trẻ lại cùng điệu hát quê hương. Cứ nhìn các ông hăng hái và hết mình trong những giai điệu bài hát mới thấy thật trân trọng và cũng thật cảm phục cho tấm lòng của những người hết lòng vì văn hóa của làng quê mình. Ông Dũng bỗng bùi ngùi: “Đến lúc thế hệ của chúng tôi nằm xuống thì điệu hát sắc bùa cũng tắt luôn...”. Có lẽ những điệu hát múa dân gian của xã Phú Lễ vẫn còn đang được lưu giữ với những người tâm huyết như ông Dũng, Sáu Đức… là điều may mắn cho một làng quê. Nhưng thế hệ của các nghệ nhân ở đây đã quá già, liệu sau này ai sẽ còn tiếp tục nối nghiệp họ với loại hình hát sắc bùa này nữa… (!?).

  • Quốc Hùng
  • Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét